Tuy nhiên, hẳn nhiều người không biết, rất nhiều sản phẩm dân dụng ngày nay có nguồn gốc từ thời chiến.

Pilates

Ra đời vào năm 1883, Joseph Hubertus Pilates là một đứa trẻ yếu ớt, mắc bệnh hen suyễn và nhiều bệnh khác. Để khắc phục thể trạng yếu ớt, ông chăm chỉ tập thể dục và chạy bộ, đồng thời nghiên cứu nhiều chế độ tập luyện khác nhau. Nỗ lực của ông đã được đền đáp khi tới tuổi trưởng thành, Joseph trở nên vô cùng mạnh mẽ. Ông là vận động viên trượt tuyết, thợ lặn, vận động viên thể dục và võ sĩ thành đạt.

Năm 1912, ông tới Vương quốc Anh, làm thầy dạy tự vệ cho cảnh sát tại Scotland Yard. Không may, khi Thế chiến I nổ ra, ông bị giam giữ trên Đảo Man vì là công dân của quốc gia thù địch. Trong thời gian này, ông đã trau chuốt các ý tưởng của mình thành hệ thống bài tập và dùng nó để huấn luyện bạn tù. Ông còn lắp lò xo và dây đai vào giường bệnh để các bệnh nhân nằm liệt giường tập chống đẩy nhằm tăng sức đề kháng.

Năm 1918, trận dịch cúm nổ ra ở Anh đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, nhưng không một học viên nào của Joseph tử vong. Ông tuyên bố điều này là minh chứng cho tính hiệu quả của hệ thống rèn luyện. Sau khi được thả, Joseph quay về quê hương, phổ biến phương pháp tập luyện và nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng khiêu vũ, chủ yếu nhờ Rudolf von Laban – nhà biên đạo múa đã phát minh ra hệ thống ký hiệu khiêu vũ. Khi quan chức Đức yêu cầu Joseph dạy hệ thống tập luyện này cho quân đội, ông đã từ chối và rời nơi đây vĩnh viễn. Năm 1926, ông di cư sang Hoa Kỳ và mở phòng tập thể hình ở New York, phổ biến phương pháp rèn luyện sau này mang tên mình: Pilates.

Joseph Hubertus Pilates tập luyện tại phòng tập thể hình của mình.

Cà phê hòa tan

Chúng ta có thể truy được nguồn gốc của cà phê hòa tan từ năm 1771 ở Vương quốc Anh, tuy một số dạng cà phê hòa tan được cho là đã xuất hiện ở một số quốc gia khác trong nhiều giai đoạn khác nhau. Ở Mỹ, cà phê hòa tan được sản xuất hàng loạt vào năm 1910 và không được người tiêu dùng đại chúng ưa chuộng. Tuy nhiên, quân đội lại hết sức tán tưởng tính tiện dụng của loại sản phẩm này. Theo Nestle, toàn bộ sản lượng cà phê hòa tan của nhà máy ở Mỹ (khoảng 1 triệu thùng) được quân đội tiêu thụ chỉ trong một năm hồi Thế chiến II diễn ra. Ngày nay, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, gần một nửa thế giới ưa thích sử dụng cà phê hòa tan.

Sản phẩm vệ sinh phụ nữ

Bằng chứng sớm nhất về sản phẩm vệ sinh phụ nữ như băng vệ sinh có từ thế kỷ 18 và 19 ở châu Âu, tuy nhiên băng vệ sinh hiện đại lại có nguồn gốc từ Thế chiến I. Trong thời kỳ này, theo hợp đồng với chính phủ, một công ty sản xuất các sản phẩm từ giấy có tên là Kimberly-Clark đã phát triển Cellucotton – một vật liệu làm từ bột gỗ, có khả năng thấm hút tốt và rẻ tiền hơn, được dùng làm băng gạc cho thương bệnh binh. Vật liệu này đã được các y tá của Hội Chữ thập đỏ chú ý và sử dụng miếng vải Cellucotton trong kỳ kinh nguyệt. Phải nói thêm là cho đến những năm 1920, sản phẩm vệ sinh phụ nữ không hề phổ biến, đa phần họ vẫn phải dựa vào các sản phẩm tự chế truyền thống.

Sau chiến tranh, Kimberly-Clark tái sử dụng vải Cellucotton làm băng vệ sinh Kotex. Ban đầu, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thị sản phẩm này, do nhiều cửa hàng bách hóa và tiệm thuốc từ chối bán băng vệ sinh vì tính nhạy cảm. Để khắc phục tình hình, Kimberly-Clark đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo lớn trên các tạp chí phụ nữ. Nhờ vậy, họ đã thành công rực rỡ khi doanh số bán hàng tăng vọt qua các hiệu thuốc và danh mục đặt hàng qua thư. Thành công của Kotex đã khởi đầu cho thị trường sản phẩm vệ sinh phụ nữ hiện đại.

Kotex không phải là sản phẩm mang tính biểu tượng duy nhất mà Kimberly-Clark phát triển từ Cellucotton. Sau khi thử nghiệm phiên bản Cellucotton mỏng, dẹt để làm bộ lọc mặt nạ phòng độc, công ty đã cho ra mắt nó vào năm 1924 dưới dạng sản phẩm tẩy trang và kem lạnh (hay còn gọi là kem dưỡng ẩm chống khô da), có tên là “Kleenex”. Nguồn gốc của cái tên này là “clean” – nghĩa là làm sạch, và dùng chữ “K” và đuôi “ex” từ Kotex. Khi phụ nữ phàn nàn về việc chồng họ dùng Kleenex để xì mũi, Công ty Kimberly-Clark liền tái định vị sản phẩm này làm thứ thay thế cho khăn mùi xoa nhằm ngăn chặn vi trùng lây lan.

Bình xịt côn trùng

Trong Thế chiến II, binh lính đóng quân ở Nam Thái Bình Dương khổ sở vì bị muỗi đốt và căn bệnh sốt rét mà loài vật này mang lại. Điều cấp bách cho quân đội là tìm ra phương thức diệt muỗi hiệu quả, dễ dàng. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cộng tác với hai nhà khoa học từ Bộ Nông nghiệp là Lyle Goodhue và William Sullivan để tiến hành nhiệm vụ phát triển bằng cách cung cấp thuốc trừ sâu dưới dạng sương mịn. Bình xịt đầu tiên được cấp bằng sáng chế vào năm 1941, sử dụng DDT – một loại hóa chất có đặc tính diệt côn trùng mạnh.

Năm 1949, kỹ sư và cựu chiến binh Robert Abplanalp đã được cấp bằng sáng chế cho một loại van khí dung bằng nhựa rẻ hơn để sản xuất hàng loạt thương mại. Ông thành lập Tập đoàn Precision Valve để tiếp thị phát minh này và thu được lợi nhuận gần như ngay lập tức. Bình xịt này đã được tinh chế và hiện nay ít gây hại hơn cho môi trường.

Lò vi sóng

Công nghệ vi sóng ban đầu được sử dụng làm radar để giúp định vị kẻ thù trong Thế chiến II. Khả năng nấu đồ ăn của vi sóng được phát hiện một cách tình cờ. Năm 1946, trong quá trình nghiên cứu về công nghệ radar vi sóng, một kỹ sư tại Công ty Thầu quốc phòng Raytheon đã chú ý thấy thanh kẹo để trong túi áo đã tan chảy. Nhờ thế mà các nhà khoa học nhận ra thiết bị vi sóng có thể sử dụng cho mục đích khác như hâm nóng và nấu ăn. Cuối năm đó, Công ty Raytheon đã nộp bằng sáng chế đầu tiên cho lò vi sóng. Năm 1954, lò vi sóng thương mại đầu tiên ra đời, có kích thước bằng cái tủ lạnh. Ngày nay, lò vi sóng là một dụng cụ nấu nướng phổ biến trong căn bếp của hầu hết gia đình trên toàn thế giới.